Bạn muốn nói gì?
Bạn muốn nói gì?
Bạn muốn nói gì?
Từ khi có chủ trương, không cần hộ khẩu ở Hà Nội hay TPHCM người dân mua nhà, đất vẫn được đứng tên. Vì thế mà nhu cầu mua nhà, nhất là nhà căn hộ chung cư, vừa hợp với túi tiền và nhu cầu của số đông các gia đình trẻ là rất lớn.
Bạn Ngô Hoàng Anh ( TPHCM) chia sẻ, với khoảng 2,5 tỷ đồng, với số tiền tích luỹ của hai vợ chồng sau hơn chục năm cật lực làm việc và vay thêm ngân hàng để mua căn hộ 70m2 ở dự án Cộng Hoà Garden ( số 20 đường Cộng Hoà), ngay kề sân bay Tân Sơn Nhất. Một vị trí nằm ở trung tâm quận Tân Bình, có đủ tiện ích như trung tâm thương mại, siêu thị, tiện giao thông, trường học.
Với số tiền này vợ chồng tôi không thể tìm được căn nhà mặt đất ở vị trí này, nếu có thì cũng phải mấy cái “quẹo”, hẻm thì nhỏ, không phù hợp với gia đình trẻ có con nhỏ… đó là sự lựa chọn của số đông gia đình trẻ.
Nắm bắt được nhu cầu đó, chủ đầu tư cứ “hở” mảnh đất nào là xây dựng chung cư. Xa trung tâm cũng đều có người mua. Khách hàng mua dự án căn hộ chỉ là thượng đế khi chủ đầu tư chào bán căn hộ. Khi bàn giao nhà rồi thì “đường ai nấy đi”. Biết đủ điều phụ thuộc và o ép của chủ đầu tư, nhưng cư dân chung cư vẫn phải chấp nhận.
Tranh chấp căng thẳng nhất giữa cư dân và chủ đầu tư vẫn là chất lượng công trình và quản lý phí bảo trì toà nhà. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là quy định quản lý của Bộ Xây dựng còn nhiều bất cập, nhất là giao phí bảo trì cho Ban quản trị quản lý, trên nguyên tắc tự quản.
Tự quản sẽ nảy sinh “đặc quyền, đặc lợi” trước số tiền khủng, nếu thành viên BQT không công tâm. Thực tế đã xảy ra khiến cư dân nhiều chung cư không còn niềm tin với BQT.
Ông Kim Ngọc Đức ở chung cư 51, phường 5, quận 8, TPHCM hiến kế: Chính quyền địa phương nên thành lập phòng chuyên trách quản lý chung cư. Phí bảo trì sẽ giao cho phòng này quản lý, chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhân sự phải là người có chuyên môn, trình độ, cùng với Sở Xây dựng, chính quyền cấp quận, phường, tạo khối thống nhất trong việc quản lý chung cư.
Bạn Nguyễn Công Khoa ( chung cư 81 Lê Văn Lương, HN) cho rằng: Khi chung cư cần nâng cấp, sửa chữa thì BQT cùng chủ đầu tư xem xét có tờ trình với phòng chuyên trách để trích kinh phí trên số tiền phí bảo trì của chung cư này. Như vậy “có bên thứ 3” có tư cách pháp nhân quản lý tiền sẽ không còn tình trạng chủ đầu tư và BQT toà nhà “mỗi người một phách”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS, nguyên Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ XD trả lời báo chí, nói rằng: Nếu giao có bên thứ 3, không phải là chủ đầu tư hay BQT quản lý phí bảo trì thì cũng có cái khó của nó. Vì tiền của dân khi sửa chữa lại phải đi xin, lập dự toán…đến khi lấy được tiền cũng mất cả tháng.
Ông Hà cho rằng, trên thế giới, nhiều nước cũng giao phí bảo trì cho BQT toà nhà. Vấn đề quản lý thế nào, không ai thay dân được.
Quản lý phí bảo trì chung cư không chỉ nóng với các cư dân và đã nóng tại nghị trường Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 3 QH khoá XIV, cử tri TPHCM đề nghị Bộ Xây dựng xem xét sửa Điểm a, Khoản 3 Điều 25 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016, liên quan đến quyền quyết định việc sử dụng quỹ bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư.
Để tránh tình trạng một số thành viên trong BQT lợi dụng rút ruột, sử dụng quỹ không minh bạch, gây bức xúc trong cư dân, theo đó BXD quy định là phải được 100% thành viên BQT đồng ý thì mới được rút tiền từ quỹ, trừ trường hợp bất khả kháng. Cư dân thì cho rằng, chỉ cần một thành viên không đồng ý, cho dù thực tế là rất cần sửa chữa, vậy theo quy định thì không được sửa chữa (?)
Bộ XD nêu quan điểm: việc sửa chữa, bảo trì được thông qua hội nghị nhà chung cư hàng năm. Việc sử dụng kinh phí phải có hoá đơn tài chính, thanh quyết toán theo quy định và báo cáo hội nghị nhà chung cư. Trong trường hợp sử dụng kinh phí không đúng quy định thì bị xử lý theo quy định và phải bồi thường thiệt hại. Việc quy định 100% thành viên BQT đồng ý là nhằm đảm bảo sự đồng thuận, tăng cường vai trò trách nhiệm của các thành viên BQT khi triển khai các quyết định khi được hội nghị nhà chung cư đã thông qua.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, chủ tịch Hiệp hội quản lý và bảo trì toà nhà VN (VBMA) cho rằng: Để số tiền 2% phí bảo trì được sử dụng đúng, hiệu quả, tránh thất thoát thì dứt khoát đồng chủ tài khoản đứng tên trong ngân hàng nên bao gồm 1 người của chủ đầu tư và 2 người của BQT.
Hỡi ôi, có hẳn một bộ, một hiệp hội quản lý và bảo trì toà nhà mà cuộc chiến quản lý phí bảo trì nhà chung cư vẫn là cuộc chiến đấu chưa có hồi kết.
0
0
1
Xem thêm
Xem thêm
Ý kiến bạn đọc (1)