Bạn muốn nói gì?
Bạn muốn nói gì?
Bạn muốn nói gì?
Tổ hợp chung cư cao tầng ngày một gia tăng. Chủ đầu tư thì “lơ là” với Phòng cháy chữa cháy vì…tốn kém, thiết kế thang thoát hiểm và hệ thống tạo áp thang bộ không được tuân thủ theo quy chuẩn. Ý thức người dân thì nói thật là…kém.
Vụ khói bốc lên từ tầng 64 toà nhà cao nhất Việt Nam, đứng thứ 8 thế giới- Landmark 81, được cho là do tia hàn bắn vào xốp gây cháy. Có không biết bao nhiêu vụ, cháy do hàn xì. Thảm hoạ cháy nổ do hàn xì lớn gây thương vong lớn nhất ở vụ cháy Trung tâm thương mại ITC ở TPHCM năm 2002 làm 60 người chết. Vụ cháy bảng hiệu cũng do hàn xì quán karaoke đường Trần Thái Tông (HN) làm 13 người thiệt mạng… Thế nhưng, dư luận lấy làm ngạc nhiên, rằng toà tháp cao thứ 8 thế giới này mà chủ đầu tư lại lựa chọn thợ hàn xì tay ngang hay sao mà cẩu thả thế?
Không ít cư dân ở trong những căn hộ của những tổ hợp có những toà nhà cao chọc trời, nói chuẩn như các kiến trúc sư thì, không có đường chân trời đô thị.
Vì quỹ đất hạn hẹp, vì món hời ở những mảnh đất vàng nên các chủ đầu tư tranh thủ chồng cao tầng, toà nhà san sát nhau, những căn hộ ở tầng thấp có lẽ quanh năm chẳng thấy ánh nắng mặt trời. Nhìn xuống, nhìn lên, nhìn ngang…cũng là những tổ ong nho nhỏ
Một kiến trúc sư phát biểu tại hội thảo sau vụ cháy toà nhà Carina (quận 8, TPHCM) rằng: Không biết các công ty tư vấn xây dựng có bao giờ tính đến việc chẳng may toà nhà bị cháy thì chữa như thế nào chưa, khi mà các toà nhà đều cao trên dưới 40 tầng, cứ san sát nhau như các chồng gạch, khoảng cách chỉ là con đường nội bộ, nhiều nơi lại tận dụng để đậu ô tô, thì xe chữa cháy vào kiểu gì?
Nhà cao tầng, càng cao gió càng lớn khi ngọn lửa bốc lên thì các kiến trúc sư đã tính đến sức tạt của gió chưa? Ví dụ như toà nhà A bị cháy, chưa kịp khống chế thì khói lửa đã tạt sang nhà B, khiến đám cháy gây nguy hiểm hơn, đe doạ, huỷ hoại sức khoẻ, tính mạng con người và tài sản của cư dân, Chủ đầu tư và những người làm công tác quy hoạch có nhìn thấy điểm yếu đó?
Sau vụ cháy ở trung tâm thương mại ITC, TPHCM hoảng quá đã đầu tư mua xe chữa cháy hiện đại nhất, nhưng xe hiện đại đó cũng “nằm im thở khẽ” vì đường thìn hẹp, tắc thì muôn thủa. chưa kể những cản trở lớn như việc tận dụng trông giữ xe ô tô, xe máy, khi có sự cố nên xe chuyên dụng chữa cháy đôi lúc cũng bất lực nhìn.
Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn nói rằng, các cao ốc cao mấy chục tầng, sát sạt nhau là vi phạm điểm kiến trúc đường chân trời đô thị.
Vinaconex tiên phong đi đầu trong việc xây dựng nhà chung cư cao tầng. Ngày ấy vào khoảng năm 2004, toà chung cư cao 34 tầng xuất hiện ở khu Trung Hoà- Nhân Chính. Ngày ấy dân tình cứ gọi là ngửa cổ lên trời mà nhìn, vì các toà bên cạnh chỉ cao 17 đến 24 là thấy kinh lắm rồi.
Vài năm sau, có mốt xây chung cư phải trên 40 tầng mới có đẳng cấp. Đại gia “điếu cày “ Thanh Thản đã tiên phong cho xây những toà nhà, thấp thì cũng phải 35 tầng, cao cũng ngót nghét 45 tầng. Một mặt bằng có toà hơn 30 căn hộ, có toà gần 40 căn. Cứ gọi đùa là những tổ chim, tổ ong trên cao.
Nhà giá rẻ. Đại gia điếu cày đã nhằm vào đối tượng thu nhập thấp. Tuỳ vị trí, chỉ cần trên dưới một tỷ là đã có chốn an cư lập nghiệp. Nhưng sau vụ cháy ở khu đô thị Xa La ( Hà Đông, HN) hay Linh Đàm (HN) thì cư dân của chủ đầu tư Điếu cày mới hốt hoảng nhận ra là…cháy thì chạy đường nào, cứu hộ thế nào.
Mà lại là, lúc cháy thật thì chuông báo cháy lại chẳng kêu, lúc chẳng cháy thì chuông lại kêu inh ỏi. Thế là cứ nghe chuông là đêm hôm nháo nhao chạy.
Đại gia Phạm Nhật Vượng - chủ của Vinhomes Group thì lại hướng đến đối tượng giàu có. Nhưng đẳng cấp thì đẳng cấp thật, nhưng nhìn những toà nhà ở Times City (Hà Nội) hay Vinhomes Central Park thì cũng san sát, chiều cao cũng chẳng kém các toà của đại gia Thanh Thản.
Bạn tôi vào định cư ở TPHCM, tìm đến dự án Hà Đô trên đường 3-2 quận 10 (TPHCM), dự định mua căn hộ. Căn hướng view không “hàng xóm bắt tay nhau” thì đã hết, giá lại cao, còn lại cứ mở rèm là hàng xóm đối diện làm gì biết hết. Anh tìm đến dự án gần sân bay Tân Sơn Nhất, giá mềm hơn nhiều, chiều cao các toà chỉ 15 tầng… theo anh là đủ để thang cứu hộ vươn tới, nếu có sự cố cháy.
Theo kiến trúc sư Trần Kiên, ở hai đô thị lớn là Hà Nội và TPHCM, cứ hở miếng đất vàng nào là mọc lên toà nhà cao tầng. Anh rất bất ngờ khi thấy dựa án toà nhà APHA CITI với hai tháp cao 49 tầng với 1.076 căn hộ. Trong khi hai con đường chủ đạo đều hẹp và luôn luôn tắc. Chưa kể đến áp lực giao thông khi toà tháp vừa TTTM vừa kết hợp căn hộ, chủ đầu tư có tính đến khi sự cố cháy nổ thì cứu hộ có dễ dàng không”.
TPHCM có con đường nổi tiếng Nguyễn Đức Cảnh oằn mình gánh không biết bao nhiêu cư dân của 5 dự án, trong đó dự án của Vinhomes Group chiếm tới 2/3 cư dân. Hà Nội thì nổi tiếng là đường Lê Văn Lương và Nguyễn Tuân, chi chít những tổ hợp cao tầng.
Cư dân một thời tự hào với tổ hợp những toà nhà cao tầng của Vinaconex khu Trung Hoà- Nhân Chính (HN), nay đã âm thầm dời đi vì mật độ cư dân quá lớn, cảm thấy ngột ngạt vì xe cộ, vì người…
Cư dân chỉ có lựa chọn ở chung cư đã dần dần thay đổi cách nhìn, họ tìm đến những toà nhà mà cao chỉ hơn 20 tầng, hơi xa một chút, nhưng…còn được nhìn thấy đường chân trời.
4
0
9
Xem thêm
Xem thêm
Ý kiến bạn đọc (9)