Bạn muốn nói gì?
Bạn muốn nói gì?
Bạn muốn nói gì?
Đến một đất nước, cảnh sắc thiên nhiên đẹp sẽ làm bạn thích thú, mãn nhãn, tuy nhiên nền văn hoá đặc trưng ở nơi đó mới làm cho bạn ấn tượng. Như một cô gái ấy, xinh nhìn thì thích cmnr, nhưng nếu có duyên thầm, có khí chất sẽ làm cho người tiếp xúc muốn gần, thấy thú vị, cái thú vị ấy nó cứ âm ỉ rồi lan toả, làm cho bạn mãi không quên.
Tây Tạng cũng vậy, không lộng lẫy, hào nhoáng, không phù phiếm xa hoa. Nét văn hoá ở đây một cái gì đó rất riêng, đặc trưng riêng không lẫn lộn, có cái gì đó rất trầm lắng, nhẫn nhịn… nhưng tôi đồ rằng những ai đến đây, lắng lòng mình chút thôi, bạn sẽ bị nhiễm. Đấy! đến như Thành Cát Tư Hãn – bành trướng lãnh thổ trên khắp khu vực Á – Âu nhưng khi đến xâm chiếm Tây Tạng thì Thiết Mộc Chân đã bị Phật Giáo Tây Tạng thuyết phục hoàn toàn.
Dưới đây là một số nét về văn hoá đậm đặc Tây Tạng.
==== HÔN NHÂN
Ngày thứ hai của hành trình, chúng tôi có ghé vào một gia đình Tạng gốc ở Nyingchi, tiếp đoàn là một phụ nữ Tạng tầm trên 30 khá xinh, má hồng hồng, tóc dài mượt, thực tế chúng tôi sẽ không “quá ghen” với cô ấy nếu cổ không thổ lộ là cô ấy có 3 chồng, mà mấy “thằng chả” khá ngoan, ông thì đi làm ăn xa, ông thì đi làm thợ gỗ trang trí nhà cửa (người Tạng vẽ rất nhiều hoa văn đẹp và tinh xảo trên các bức tường nhà họ), còn 1 ông đang ở cùng cô ấy để giúp cô ấy việc nhà. Sư của khỉ? Cô ấy dẫu có xinh tị đấy, nhưng 3 tháng mới gội đầu 1 lần (cô ấy còn than như vậy tắm gội hơi nhiều, bà nội cô ấy năm chỉ gội đầu 1 lần. kinh!) cái bộ quần áo của cô ấy không biết mặc lâu chưa vì nó cũng dầy dặn sương gió lắm rồi. Thế mà sở hữu 3 cha nội, mà vấn đề là 3 thằng cha này là anh em một nhà.
Người Tạng gốc áp dụng hình thức “đa phu”. Nghĩa là: hoặc một cô “oánh” luôn cả cụm (gia đình nhà đó có bao nhiêu anh em trai thì “chén” hết. Hình thức đa phu của sắc dân Tây Tạng này thiên về để bảo toàn gia sản hơn là đam mê sắc dục. Bởi vì khi anh em trong một nhà lấy chung một cô vợ thì sẽ không phải phân chia đất đai di sản của gia đình sau khi cha mẹ qua đời.
Rời nhà cô gái đó, dọc đường chúng tôi bàn tán ghê gớm lắm, tranh luận, đặt ra đủ tình huống này nọ đến mức quên cả mệt mỏi. Chúng tôi thắc mắc: thế vấn đề… là lá la thì như nào? Con sinh ra thằng nào là bố? thế ai được làm “chồng đại diện”….. rồi lại quay về vấn đề: thế ai cũng muốn là lá la cùng một hôm thì sao nhỉ???? (khổ, đề tài này hấp dẫn đến độ, đã chuyển qua chuyện khác từ bảy đời thế mà đến lúc ngồi vào mâm cơm một chị thẫn thờ thở hắt ra: này, nếu …. một hôm thì sao nhở???)
===== ĐẠT LAI LẠT MA
Nói đến Tây Tạng mà không nói đến Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma thì vô cùng thiếu sót.
Như các bạn biết, vị Đạt Lai Lạt Ma hiện tại là thứ 14 – sau cuộc đàn áp của quân đội TQ năm 1959 ngài hiện sống lưu vong tại Dharamsala, miền Bắc Ấn Độ. Ngài là con người của hoà bình, đã đi hơn 67 quốc gia và nhận 150 giải thưởng, bằng tiến sỹ danh dự, ngài cũng là tác giả hoặc đồng tác giả của hơn 110 đầu sách.
Đạt Lai Lạt Ma được cho là hiện thân của Đức Quán thế âm. Từ vị Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên Gendun Truppa sinh năm 1391 đến Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 được cho là từ tái sinh của các Đức Đạt Lai Lạt Ma trước. ví dụ: vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 10 khi viên tịch sẽ tái sinh vào một cậu bé nào đó, và nhiệm vụ “của đội ngũ trợ lý” là sẽ đi tìm cậu bé được tái sinh của vị Đạt Lai Lạt Ma đó bằng nhiều cách khác nhau (bói toán trên hồ Thiêng, dùng các phép thử …) có những cậu bé có khi mới sinh ra đã nói về nơi mình đã từng sống (như vị Lạt Ma trước đã sống), đọc những đoạn kinh dài, hay lựa chọn những vật dụng mà vị Đạt Lai Lạt Ma trước từng dùng. Những cậu bé này được đưa về, đào tạo, dạy dỗ nghiêm ngặt để trở thành một vị Phật sống có trình độ, lãnh đạo đất nước Tây Tạng.
Bao thế hệ Đạt Lai Lạt Ma đã qua, cuộc đời mỗi vị mỗi khác nhau, người chết yểu, người viên tịch khi còn rất trẻ, nhưng có 1 vị Đạt Lai Lạt Ma để lại trong tôi nhiều suy nghĩ nhất là vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 6. Ngài ấy đã yêu 1 cô gái, hai người thường xuyên hẹn hò ở quán caffe LMAKYE AME – gần chùa Jokhang - nơi mà chúng tôi cố mò đến để checkin dù quá muộn. Và dĩ nhiên, việc một Đạt Lai Lạt Ma yêu là phạm luật, và ngài ấy đã phải chết một cách bí ẩn ở tuổi còn rất trẻ, ở đâu đó gần hồ Thanh Hải.
==== GÒ ĐÁ MANIDOI
Tinh thần mộ đạo của người dân Tây Tạng vô cùng lớn lao. Chúng ta chung một cảm giác như người nơi này họ sống không phải vì cái kiếp trần gian cụ thể này của họ.
Bất kỳ gò đất nào ven đường nhựa, hay các xó làng hẻo lánh, cũng thấy người ta dựng các gò manidoi - họ xếp đá khéo léo, khi hùng vĩ, khi nhỏ xíu như hòn giả sơn...
===== NIỀM TIN TÔN GIÁO
Hôm chúng tôi đến nhà cô gái Tạng có 3 chồng, bố mẹ chồng cô đi vắng, cô bảo: cả bố và mẹ chồng cô đang hành hương đến Lhasa 3 năm nay chưa có tin tức (cách khoảng 435 km). Mỗi chuyến hành hương thường tốn rất nhiều thời gian bởi họ đi bằng cách: đi 1 bước (hoặc có thể là 3 bước) sau đó vái và ngũ thể đầu địa (nằm dài ra), bất cứ thứ gì ngáng trở trên đường cũng ko làm trùn bước họ, gặp tuyết, gặp mưa họ “vẫn ngũ thể đầu địa” một cách cần mẫn, hướng tâm. Họ cho rằng, trong cuộc đời mỗi người, được một lần làm như vậy mang lại may mắn cho gia đình, cho làng xóm. Phải mình, nhảy lên oto, phóng vút đi, dăm tiếng sau có mặt ở Lhasa cho rồi.
===== NHỮNG ĐÊM KHÔNG NGỦ
Chuyến đi cho tôi thêm nhiều kiến thức về Phật Giáo, thực tế giữa mình đọc và mình nhìn là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Được nhìn, được trải nghiệm những gì mà mình đọc làm cho mình nhớ lâu hơn, hiểu rõ hơn.
Tôi không phải là người dễ dàng tin vào những chuyện hoang đường, nhưng có những việc tôi trải qua làm cho lòng tin của tôi cũng bị chút lung lay…
Tôi đã có 8 đêm không ngủ ở Tây Tạng, cả hành trình tôi không tài nào ngủ được, điều đó rất khác với tôi – một người ngủ cực dễ thì vô cùng (anytime, anywhere)
Đêm đầu tiên, mệt, tôi chỉ mong nhanh nhanh về khách sạn để ngả lưng. Dĩ nhiên, không tắm gội – vì đã được khuyến cáo trong vòng 3 ngày đầu tiên tới Tây Tạng không được tắm gội. Nhưng đủ trò từ đếm cừu, đếm kiến … đêm dài vô tận, không chợp mắt được vì đầu óc tôi nó cứ lâng lâng về miền nào đấy…Sáng hôm sau, cô trong nhóm khoe hôm nay thiền thích quá, lúc thiền cô thấy cả một cánh đồng bát ngát, tĩnh lặng…
Ngày thứ 2, khách sạn nhóm chúng tôi ở như 1 viện bảo tàng, tượng phật khắp nơi từ sảnh, âm u, hành lang các tầng cạnh mỗi phòng là các tủ kính bày biện đủ loại đồ cổ, tượng phật, dao, kiếm… tối đó, tôi chỉ ước trời nhanh sáng, nhanh sáng nhất có thể, tôi gần như không thở được, ngồi trên giường và thở ôxi, rít hết bình này đến bình kia cũng không ổn, tôi thiền nhưng cũng không tài nào tụ khí được, nằm chỉ vài phút là không được, phải ngồi dậy, thu lu trên giường nhìn chằm chằm vào bức tường phía trước chờ trời sáng…
Rồi trời cũng sáng, xuống nhà hàng ăn sáng gặp cô hay đi tuyến Ấn Độ, Nepal, Butan, cô bảo: hôm qua, cô X ở Việt Nam đt sang bảo cô: tối qua đoàn mình sẽ không ai ngủ yên đâu, nhưng tối nay sẽ ổn. Lúc lên xe ai cũng kêu không ngủ được/khó ngủ làm mình hãi.
Nhưng tôi đã không ngủ được cả hành trình….
Về đến Việt Nam, tôi lăn quay ra ngủ nguyên 2 ngày không biết trời trăng mây nước gì luôn.
Thế nhưng, nếu có cơ hội, không biết có khi lại lên đường tiếp í chứ.
Có lẽ đây là lần cuối tôi viết về Tây Tạng, như để gói ghém lại những tình cảm của mình dành cho vùng đất Thiêng này. Còn quá nhiều câu chuyện mà nếu chia xẻ nó phải là một cuốn sách rất dài… Tôi chỉ thấy mình thật may mắn vì đã có “duyên” với Tây Tạng để có thể hiểu một phần về nó, và cũng chính sau chuyến Tây Tạng, tôi thấy nhẹ lòng hơn với mọi việc. Cái gì mình cho là nhẹ thì khắc nó là nhẹ thôi. Phải không???
Trích: Nhật ký hành trình (Tibet trip)
1
0
0
Xem thêm
Xem thêm
Ý kiến bạn đọc (0)